Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Đổi đèn thay bóng

Cái thực trạng của cuôc sống bao quanh mỗi chúng ta thật ra đã được dệt lên bởi chính các niềm tin tưởng và nỗi mong muốn trong lòng từng người. Các quan niệm và thái độ của chúng ta về cuộc sống đóng một vai trò cốt yếu trong tương lai , hiện tại và ngay cả quá khứ trong kiếp đời của ta nữa.

Trong từng giây phút của hiện tại mỗi chúng ta có thể nhìn bất cứ một sự việc nào xảy ra qua nhiều cặp mắt khác nhau. Thí dụ buổi sáng tỉnh dậy bên ngoài trời mưa tầm tã. Ta có thể hoặc là lấy làm rầu rĩ vì không ra đường đi chơi được, hay là có thể cảm thấy khoái chí vì chẳng phải mệt sức ra sân cắt cỏ. Nếu ta chọn thái độ buồn bã thì cả ngày hôm đó chắc là sẽ bứt rứt khó chịu và nhiều chuyện hư hỏng phiền toái sẽ thừa dịp kéo tới. Còn nếu như giữ được tinh thần khoan khoái thì sự sinh hoạt ngày hôm đó của ta có nhiều hy vọng rẽ đi một con đường khác với những kết quả khác.


Chúng ta vẫn thuờng nghĩ rằng cái gì đã xảy ra trong quá khứ là xong rồi, không còn làm gì sửa đổi được nữa. Nhưng xét cho kỹ thì sự thật là sao ? Ta chỉ nhận biết được các sự việc trong quá khứ nhờ vào trí nhớ, đi qua cặp mắt trí óc của mình. Trong trường hợp này ta lại cũng có thể tái tạo các hình ảnh của ký ức đó dưới nhiều thái độ khác nhau. Hoặc là ta nhìn lại với một tâm trạng xây dựng tươi tỉnh để mà nhận thức các bài học cần thiết, để mà xem các chi tiết trong quá trình đó có thể cho ta những suy luận quý giá nào hầu giúp ta đối phó với các thử thách đương thời. Đằng khác ta cũng có thể chỉ muốn gợi lại vài ký ức cũ để tiếp tục thỏa mãn những cảm xúc xa xưa (vui, buồn, hờn, giận) mà cái thói quen trong cá tính của ta đòi hỏi, giống như người ghiền tới cơn phải tìm lại ly rượu đắng mà uống tiếp. Cứ như vậy mà thái độ và ước muốn của chúng ta cũng sẽ quyết định cái phẩm chất của bức hình quá khứ hiện lên trong tâm trí ta, và điều này lại sẽ định đoạt các hành động của ta trong hiện tại , và rồi dẫn tới mọi kết quả trong tương lai.

Thật sự thì Thời Gian không có trôi đi đâu hết . Nó không có. Cái mà trôi nổi bập bềnh khắp mọi bến bờ đó chính là tri thức của chúng ta. Tâm tư ta mà bật lên rọi đèn về phía nào thì màn kịch cuộc đời của ta sẽ diễn ra y theo tuồng đó. Hằng triệu hằng tỷ bối cảnh khác nhau đang sắp sẵn hết đâu đó, và cứ tùy theo cách ta rọi chiếu đèn mà từng thực trạng khác biệt sẽ hiện ra cho ta cảm nhận.


Photo Sharing


Bởi lẽ quá bị thôi miên với vai trò vật chất của mình mà chúng ta quên mất cách điều khiển ngọn đèn, quên rằng đèn của mình có nhiều màu khác nhau, quên rằng mình có thể rọi nó đi muôn ngàn phía , quên rằng mình đang trình diễn trên nhiều rạp hát cùng một lúc, và quên rằng mỗi sân khấu trên đó mình đang múa may cũng còn nằm trong lòng của một hí trường khác lớn lao hơn nữa…

Cái tri thức bình thuờng của ta chỉ có thể cảm nhận và xử dụng trực tiếp đuợc một số dữ kiện giới hạn mà thôi. Cái khái niệm về quá khứ, hiện tại và tuơng lai chỉ là một ảo tuởng tạo nên bởi cái khả năng hạn hẹp này. Đứng trên một quan điểm bao quát hơn thì mọi sự kiện đều có sẵn trong vũ trụ cùng một lúc. Một sinh thể họat động trong thực trạng vật chất 3-chiều như chúng ta thì chỉ có thể " chụp nắm" thâu nhận các sự kiện này trong từng giây phút một, và từ đó mà gây ra cái ấn tuợng về thời gian .

Nếu ta phân tich mỗi hiện tuợng một cách thật tỉ mỉ , theo dõi rõ ràng từng chi tiết thật nhỏ nhoi thì sẽ nhận ra rằng mọi hiện tuợng mà ta quan sát đuợc đều đã xảy ra trong cái " quá khứ" như ta từng định nghĩa. Bởi tia ánh sáng từ cái sự vật mà ta nhìn thấy đó, hay cái cảm giác mà ta sờ thấy đó, đã phải bay qua một khỏang cách, dù cho nhỏ bé cách mấy, để mà chạy tới trong não bộ ta sau 1 tích tắc nào đó của đồng hồ. Cái mà ta nhận biết đó quả tình đã nằm trong " quá khứ" rồi, nó đã đổi thay rồi mà ta chưa kịp hay.

Trong cái cuộc sống bình thuờng hằng ngày chúng ta có thói quen gạt bỏ lọai ra rất nhiều những chi tiết nhỏ nhoi tỉ mỉ như vầy, để mà dệt ra một thực trạng lờ mờ hơn, cho thích hợp với cái đòi hỏi trong nhịp sống của bản ngã. Chúng ta tạo dựng nên một bối cảnh sinh họat tùy thuộc vào ý muốn và quan niệm của cá nhân và của xã hội trong cái giai đọan nhất thời đó. Nếu khả năng tâm trí của ta bén nhạy và hào khóang thì thực trạng của ta cũng sống động và phong phú. Đằng khác nếu đầu óc ta hẹp hòi, kiến thức ít ỏi thì cái cảnh sống mà ta kết dựng lên cũng chỉ có thể hiện ra nghèo nàn khô cạn.

Trong cái thực trạng của chúng ta , một cái biến cố nào đó trong " quá khứ " thật sự sẽ thay đổi hòai hòai trong trí óc của mình. Mỗi khi ta nhìn lại cái biến cố đó thì tùy theo cái thái độ và quan niệm chúng ta có tại từng thời điểm mà cái biến cố đó sẽ tái hiện duới một hình thức khác.


...
Thời gian (TG) không có một sự hiện hữu tuyệt đối độc lập riêng mình nó như đầu óc ta thuờng nghĩ. TG chỉ có hiện diện trong phạm vi thế giới vật chất 3-chiều của chúng ta . Kể từ khi Einstein phổ biến giả thuyết Tuơng Đối cách đây gần một thế kỷ rồi thì các tóan học gia và vật lý gia đã từng biết và chấp nhận rằng TG có tính chất co giãn: Khi mà một quan sát viên (QSV) di chuyển với tốc độ nhanh gần bằng ánh sáng thì TG có thể đo đuợc bởi QSV đó sẽ giãn ra so với TG đo bởi một QSV đứng bất động.

TG là một trong những hiện tuợng phức tạp nhất bởi nó liên hệ quá mật thiết với sự hiện hữu của chúng ta. Cũng giống như một cái bong bóng nếu không có hơi thổi phồng lên thì chẳng khi nào nó có một hình thể rõ ràng, chúng ta là các nốt nhạc rời rạc đuợc ghép biến thành 1 bài nhạc,1 sự sống linh động qua thời gian. Các bàn luận về TG rất khó mà tránh đuợc các mối gúc mắc,những sự phát biểu bằng ngôn ngữ sẽ có vẻ mâu thuẫn , bởi chg' ta đang dùng một con dao để mà mổ xẻ phân tích một con dao ! Tới một lúc nào đó tất sẽ kẹt không tiến đuợc. Có lẽ giải pháp duy nhất là phải tìm cho ra một dụng cụ tinh vi hơn.


Tất cả những lời bàn luận đặt ra đây đều nhằm vào mục đích trình bày cho ta thấy cái tính chất mập mờ nhân tạo và tuơng đối của nhiều khái niệm mà hầu hết chúng ta thuờng coi như là cái nền tảng tuyệt đối của kiếp nguời. Một khi mà ta nhận thức đuợc rằng các nguyên tắc mà ta coi là căn bản nhất đó cũng có thể thay đổi thì ta mới bắt đầu chịu tìm kiếm và ra công xây dựng một nền tảng khác rộng lớn hơn và bền bỉ hơn để có thể đuơng đầu với mọi thử thách một cách hữu hiệu .

Không có nhận xét nào: